Bạn định nghĩa thế nào về tình yêu vô điều kiện?

“Nếu trên đời thật sự có tình yêu thương, thì đó chỉ có thể là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, một thứ tình yêu vô điều kiện.”

Dù đã nghe rất nhiều về tuyên ngôn đó, đặc biệt là trong gia đình, nhưng tôi chưa từng được chứng kiến, và cũng chưa bao giờ cảm nhận được thứ tình yêu ấy.
Câu chuyện tình yêu vô điều kiện dường như chỉ là một trong rất nhiều hiện tượng khiến tôi thắc mắc: tại sao luôn tồn tại những điều không có thật, nhưng lại là chân lý?

Thông qua việc tiếp xúc với xã hội, tự có cho mình những mối quan hệ khác nhau như đồng nghiệp, bạn bè, đối tác,…tôi nhận ra mối liên kết giữa con người với nhau được xếp thành 2 loại, hoặc 2 giai đoạn (tuỳ vào hoàn cảnh): tự nguyện và ràng buộc.
Chúng ta tự nguyện trở thành một phần trong đời sống của đối phương, nhưng giữa hai người không nhất thiết có sự ràng buộc. Điều đó có nghĩa, ta được quyền lựa chọn bước ra khỏi mối quan hệ ấy nếu muốn.
Ngược lại, khởi đầu của gia đình mang ý nghĩa ràng buộc nhiều hơn, đơn giản vì cha mẹ không biết đứa trẻ nào sẽ đến, và không một ai quyết định được người làm cha mẹ mình.

Tuy nhiên, điều đó chỉ mang tính lý thuyết.
Cho dù bắt đầu với lý do nào đi chăng nữa, thì trên thực tế, nền tảng của tình yêu là lòng tự nguyện. Và để có thể trở nên ràng buộc “một cách tự nguyện”, thì hoà hợp là yếu tố vô cùng quan trọng.

Sự hoà hợp là kết quả của quá trình mà hai bên đều dành nhiều thời gian, nỗ lực, chứ không phải tự nhiên mà có. Tôi tin rằng điều đó áp dụng cho tất cả các mối quan hệ, bao gồm cả tình mẫu tử/phụ tử. Trong quá trình cố gắng hoà hợp với nhau, chúng ta không tránh khỏi những cảm xúc tích cực. Thậm chí phải tự vấn bản thân: tại sao tôi lại sinh ra đứa con như vậy? Hoặc, tại sao bố mẹ tôi không phải là những người tuyệt vời như tôi mong muốn?

Tình yêu vô điều kiện, theo cách hiểu đơn giản từ câu chữ, đó là thứ tình yêu tồn tại trong mọi hoàn cảnh. Và chúng ta luôn yêu thương nhau, bất kể đối phương có tính cách như thế nào, lời nói, cách hành xử ra sao…
Vậy nếu tình yêu vô điều kiện là có thật, thì có đúng là chúng ta sẽ không bất đồng, không bất mãn và không gây ra tổn thương cho đối phương?

Điều đó là không thể. Vì cha mẹ, con cái, đồng nghiệp hay bạn bè đều là con người. Dù sinh ra trong cùng một gia đình, nhưng anh/chị/em lại có những quan điểm sống khác nhau. Những thứ chúng ta thấy bình thường, có thể là điều họ không chấp nhận được.

Chị gái hơn tôi 9 tuổi. Vì vậy ở thời điểm chị gái học cấp 3, tôi nghĩ rằng thế giới của chị thật tuyệt vời. Những gì chị có là mơ ước của tôi – cô bé học cấp 1.
Tôi từng lén đọc Nhật ký của chị gái, không phải vì tò mò hay muốn hiểu hơn về suy nghĩ của chị. Vì tôi nghĩ rằng “chỉ có người lớn mới viết Nhật ký”, và tôi muốn chìm đắm vào thế giới ấy.

Mặc dù rất lén lút, nhưng thật lòng tôi không nhận thức được mức nghiêm trọng của việc xâm hại vào đời tư người khác. Cho đến một ngày chị phát hiện và rất giận, dù biết mình không nên nhưng tôi vẫn cố cãi, rằng chỉ có tôi biết về cuốn sổ đó, và tôi không nói với ai. Nhưng điều đó không được chị chấp nhận.
Chị gái là thiên sứ cuộc đời tôi. Nhưng khi những tình huống đó xảy ra, tôi không thể đưa ra lý lẽ “mọi người trong gia đình đều yêu thương nhau vô điều kiện” để buộc chị phải tha thứ cho mình.

Như đã nói ở trên, tình yêu cần rất nhiều cố gắng, để thấu hiểu, để cảm thông và học cách bày tỏ tình yêu. Nhưng tình yêu ấy sẽ trở nên mỏng manh nếu chúng ta cố gắng làm những điều bản thân cho là quan trọng, mà lại vô tình quên mất điều đối phương thực sự cần.

Quả thật con cái là cả thế giới của mọi ông bố, bà mẹ. Vì vậy họ sẵn sàng đánh đổi nhiều mơ ước và cả cơ hội để dành nhiều thời gian hơn, hoặc mang đến cuộc sống tốt hơn cho những đứa trẻ. Nhưng bạn biết đấy, mặc dù không phải ai cũng thừa nhận, trong lòng chúng ta luôn tự gieo hi vọng rằng, những gì cho đi sẽ được báo đáp xứng đáng.
Một người sẵn sàng làm một lúc nhiều công việc, chịu đựng mọi áp lực để duy trì nền tảng kinh tế sẽ trải qua cảm xúc đau buồn, lo lắng, tức giận, bùng nổ,v…v nếu nhà trường hay xã hội phản ánh rằng con cái của họ không nghe lời, hành xử thiếu suy nghĩ, học hành chểnh mảng.
Bầu trời sụp đổ trước mắt họ nếu những đứa trẻ lớn lên “không được bình thường” hay “không giống người ta” như: nhuộm tóc, xăm trổ, đồng giới.

Và, nhiều đứa trẻ chỉ muốn kết thúc cuộc đời khi biết rằng, người nhà – những người duy nhất có thể yêu thương và tin tưởng – không chấp nhận con người thật của chúng.

Phân cảnh cuối cùng trong phim “Call me by your name” của đạo diễn người Ý – Luca Guadagnino khiến tôi chìm đắm vào suy nghĩ về tình yêu khi xem được cuộc hội thoại giữa nhân vật người cha và đứa con trai đồng giới.
Ông Perlman đã rất cố gắng để mở lời với Elio, dù có chút gượng gạo. Tôi hiểu rõ điều đó, rằng chia sẻ và lắng nghe là hành động tưởng chừng rất bản năng, mà lại cần nhiều dũng khí và thời gian để học hỏi, đặc biệt là với người nhà. Cuộc hội thoại tưởng sẽ khiến Elio lo lắng vì những gì cậu nghĩ là “bí mật” đã bị bố phát hiện.

Cuộc hội thoại thẳng thắn, tràn đầy thấu hiểu và yêu thương ấy đã thể hiện rõ sức ảnh hưởng to lớn của gia đình lên quá trình trưởng thành của những đứa trẻ, hoặc giúp chúng học cách vượt qua thử thách trong đời bằng thái độ tích cực, hoặc khiến chúng lớn lên trong tiếc nuối và cô độc.


Tình yêu không nhất thiết phải là vô điều kiện. Tình yêu luôn ở đó khi chúng ta luôn đặt mình vào vị trí của đối phương, cùng lắng nghe và được lắng nghe, cùng cho đi và được nhận lại.

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.c

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *