Mỗi lần nhận được câu hỏi như “Dạo này bạn thế nào?”, hoặc “Vẫn ổn chứ?”, thì câu trả lời của bạn là gì?

Không hiểu tại sao tôi thấy câu đó khó trả lời quá chừng, vậy nên tôi cũng không thường chào hỏi bằng cách đó. Trước đây tôi nghĩ câu đó quá khách sáo, và đối phương chắc cũng chỉ đưa ra câu hỏi đó như một cách bắt đầu cuộc hội thoại. Thế nên, trả lời thế nào cũng được.

Khó hiểu là, khi sống xa nhà và được bố mẹ hỏi “Có vấn đề gì không con?”, hay “Dạo này học hành thế nào?”, tôi cũng trả lời y hệt với những người khác. Cho dù tôi hiểu bố mẹ thật sự muốn biết và muốn lắng nghe tôi kể về cuộc sống thực tế của mình, nhưng tôi lại thấy bối rối. Kể cả vừa trải qua một ngày rất vui, hay đang gặp phải nhiều vấn đề, tôi đều cảm thấy khó khăn trong việc diễn tả cảm xúc của mình.

Một mặt, tôi sợ mình gọi sai tên cảm xúc đó. Mặt khác, tôi sợ phải đối diện với nó.
Tôi nhận ra, bản thân cũng như rất nhiều người tôi biết, đều không được học về cách nói lên cảm xúc của mình.

Năm đầu học ĐH, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ người bạn cũ, chúng tôi quen biết nhau từ năm lớp 9 và tỉ tê với nhau rất nhiều chuyện. Tôi vẫn nhớ cảm xúc của tôi khi nghe tiếng khóc nức nở ở đầu dây bên kia, tim tôi chạy marathon vì bối rối và lo lắng. Bạn kể về chuyến đi chơi qua đêm với bạn trai và không biết có phải “dính bầu” rồi hay không. Sau khi nói chuyện với nhau để cùng tìm hướng giải quyết, mỗi ngày tôi đều gọi điện cho bạn để hỏi “Mày thấy thế nào rồi?”, câu trả lời tôi nhận được luôn là: Tao cũng không biết nữa mày ạ. Và cứ thế khóc.

Tại sao khi có những tổn thương trên thể xác, chúng ta có thể nhận ra và phân biệt rất rõ ràng từng cấp độ (nhức, đau, rát, ê ẩm, buốt, hơi nhói…), nhưng lại không biết rõ về cảm xúc đang diễn ra trong lòng? Điều quan trọng là, bác sỹ có thể giúp chúng ta chữa lành vết thương trên da thịt, thậm chí ngay cả khi chúng ta không hề có cảm giác đau; ngược lại, việc điều trị tâm lý đến nay vẫn rất khó khăn cho các chuyên gia, đặc biệt là với những người không nhận ra tình trạng của mình.

5 năm trở lại đây, tôi học cách viết Nhật ký (Journaling) và bài học đầu tiên là viết ra cảm xúc, bất kể nó là gì. Nhưng, “Nó là gì nhỉ? Cụ thể mình đang cảm thấy thế nào?” – đó mới là những ngày khởi đầu của tôi.
Tôi cũng quan sát thấy điều đó ở cháu trai – một người rất ít nói nhưng nhiều xúc cảm. Một lần đến đón cháu, cậu tựa vào tôi khóc nức nở vì không được giải trong một cuộc thi cấp trường, tôi cảm nhận rất rõ nỗi buồn của trẻ con khi bắt đầu hiểu được khái niệm “thắng, thua”. Chúng tôi im lặng rất lâu sau đó. Trong bữa tối, mọi người cố gắng động viên “không sao đâu, chỉ là một cuộc thi thôi mà”, “lần sau mình lại cố gắng, còn nhiều cơ hội lắm”, “thắng thua đôi khi là do may mắn” – và cháu tôi lại khóc to hơn nữa sau những lời an ủi đó.

Điều đặc biệt là, không một ai hỏi về cảm xúc của cậu, rằng khi biết mình không được giải, trong lòng cậu cảm thấy ra sao? Có thật là vì thua nên mới khóc, hay do yếu tố bên ngoài như ai đó châm chọc? Hay do chính những lời động viên ấy khiến cậu cảm thấy yếu đuối hơn?
Và kể cả tôi, rất lâu sau đó mới hiểu ra điều này, đơn giản vì tôi lớn lên trong môi trường như vậy – không ai hỏi về xúc cảm thật sự đang diễn ra, và cũng không ai chủ động nói về sức khoẻ tinh thần.

Có thể nói ra được cảm xúc của mình ở từng thời điểm, thậm chí là từng khoảnh khắc giúp chúng ta hiểu bản thân hơn, sau đó mới học được cách thông cảm cho người khác. Nếu ngay cả bản thân mình đang cảm thấy buồn, rất buồn, hơi buồn, chạnh lòng hay nôn nao mà còn không nhận ra, thì việc đi an ủi người khác có chăng cũng chỉ là một lời nói xã giao.

Học cách diễn tả cảm xúc của mình, và chấp nhận mọi xúc cảm của người khác ở bất kỳ thời điểm nào là điều tôi ước mình có thể được dạy từ nhỏ. Tuổi dậy thì là lúc chuyển giao và tiếp nhận nhiều suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. Nhưng vì nhiều người trong chúng ta không biết cách tìm hiểu, đào sâu cũng như miêu tả cảm xúc của mình, vì thế ta cũng không hiểu được những lo lắng, băn khoăn của người lớn mỗi lần thấy ta đi chơi về khuya, ăn mặc khác lạ, tóc nhuộm nhiều màu, hay thành tích học tập đi xuống.

Ngay cả khi trưởng thành, khi gặp phải những điều không thuận lợi, những người chúng ta không thích, ta cũng chỉ cảm thấy chán ghét, uất hận và buồn khổ, mà không hiểu được rằng mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ cảm xúc của họ.
Nếu chúng ta hiểu được cảm xúc khó chịu khi thấy ai đó giỏi hơn mình, ta sẽ hiểu vì sao người khác đố kị với chúng ta.
Nếu hiểu được cảm giác luôn muốn những thứ mới mẻ, và lại dễ hụt hẫng khi phải bỏ đi thứ cũ, ta sẽ hiểu được vì sao có chuyện yêu một lúc nhiều người.
Nếu hiểu được cảm giác sợ hãi khi mất đi quyền lực, ta sẽ hiểu vì sao có những người quản lý luôn lớn tiếng với nhân viên…

Cho dù bạn đang cảm thấy thế nào, hoặc không hề có cảm xúc gì, tôi rất ủng hộ bạn tìm hiểu và diễn tả nó, bằng cách nói chuyện với người mà mình tin tưởng, hoặc viết Nhật ký.

Hiểu về cảm xúc của chính mình cũng như khai sáng tư duy vậy, chúng ta chợt thấy người đàn ông khóc mới chính là người dũng cảm nhất!


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *