Bạn có đang thực hành, hoặc từng nghĩ tới việc tập thiền không? Nếu có thì tôi rất tò mò về lý do đằng sau đó.
Là người “có bệnh mới chữa bệnh”, tôi nghiêm túc tập luyện yoga cách đây 6 năm vì chứng mỏi lưng và đau xương khớp. Nhưng tôi bắt đầu với thiền khi gặp vấn đề về tâm lý.
Vấn đề của tôi là tôi bị nghiện chỉ trích chính mình. Mọi hành động diễn ra trong ngày đều bị tôi đem ra săm soi trước khi đi ngủ, và luôn tự dằn vặt: đáng lẽ lúc đó mình không nên phản ứng dữ dội như thế. Tại sao mình lại nói chuyện khó nghe như vậy? Không giải thích nổi hành vi của chính mình là một trong những thủ phạm gây căng thẳng.
Mặt khác, tôi cũng thấy khó hiểu, rằng rõ ràng có nhiều chuyện tôi biết nên làm gì, nhưng hành động ngược lại. Sau khi đọc một số nghiên cứu liên quan, tôi nhận ra có một tình trạng gọi là mất ý thức tạm thời. Yoga và thiền được cho là sẽ giúp cải thiện hội chứng ấy, giúp chúng ta tập trung ngay tại thời điểm hiện tại và có nhận thức rõ ràng về những gì đang hoặc sắp diễn ra.
Nghe thật kỳ diệu! Nhưng quả thật, sau 4 năm luyện tập tôi mới tìm ra được một phương pháp thiền “rất không sách vở” nhưng lại hiệu quả với tôi, đó là tự gõ cửa vào bộ não và hỏi chính mình: Này, bạn đang làm gì đó?
Qua quan sát cá nhân, tôi thấy 80% các cuộc cãi vã xảy ra vì hai bên đều không ý thức được lý do. Ngồi nói chuyện với 2 người lãnh đạo đang có ý định mở rộng thị trường ra nước ngoài, một trong những lý do là vì họ sợ chiến tranh trong nước xảy ra bất thình lình. Vì vậy, họ muốn tôi hỗ trợ để thành lập công ty, về lâu dài có thể chuyển sang nước khác sinh sống. Ở một nơi yên bình như thế này, tôi thắc mắc về khả năng xảy ra chiến tranh. Và rồi, hai người đối diện đã cãi nhau rất dữ dội về một tình tiết trong lịch sử mà họ cho là gây ra chiến tranh giữa 2 nước. Họ quên mất tại sao 3 người chúng tôi lại ngồi ở đây.
Tôi cũng từng nghe nhiều người bạn kể về những lần cãi vã khi ra ngoài đi chơi cùng người yêu. Khi không giữ được bình tĩnh, cả hai nói nhiều và căng thẳng đến mức không muốn nhìn thấy đối phương nữa. Cơn tức giận vẫn chưa nguôi ngoai vài tiếng sau đó, nhưng đôi lúc họ không hiểu họ đang thực sự tức giận về điều gì. Thậm chí còn không nhớ tình tiết nào khiến hai bên “tăng xông”.
Cơ chế của thiền, giải thích đơn giản, là hướng người thực hành đặt mọi sự chú ý vào nhịp thở, và liên tục theo dõi nếu sự chú ý ấy rời đi nơi khác. Đơn giản hơn, thiền mang đến lời nhắn: giờ nào làm việc nấy. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta cần liên tục đưa bản thân về với thực tại, ý thức được mọi sự biến chuyển của thể trạng và tâm lý, cũng như hành động.
Nhưng điều này thật sự rất khó. Làm sao có thể yêu cầu bộ não ngừng suy nghĩ, hoặc chỉ được tập trung vào điều mình muốn? Tương tự, đang tức giận thì làm sao bắt ép mình bình tĩnh được?
Chúng ta không bắt ép, nhưng có thể thức tỉnh.
Tôi tin chắc không một ai muốn làm điều khiến bản thân hối hận, như hành xử kém văn hoá, nói năng tổn thương người khác, có thái độ không tốt hoặc đưa ra những quyết định không sáng suốt. Vậy nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Không muốn nhưng vẫn làm, vì rất nhiều người thậm chí không ý thức được họ đang làm gì, tại sao họ làm vậy và sẽ gây ra hậu quả gì.
Bạn có nhớ lần gần nhất tự hứa sẽ lướt điện thoại một chút, nhưng sau đó là 2 tiếng đồng hồ trôi qua không? Bạn đâu muốn như vậy, vì bạn hiểu điều đó không tốt chút nào, nó khiến bạn mất thời gian vô nghĩa. Nhưng bạn sẽ kiểm soát tốt hơn nếu đột nhiên có ai đó hỏi: Làm gì đó? – Một câu hỏi đơn giản nhưng “đưa ta về với thực tại”và có ý thức hơn về điều mình cần làm.
Quay lại với câu chuyện những cuộc tranh luận không có mục đích và không có kết quả. Dù không kiểm soát được cơn nóng giận thì tôi tin, phần lớn chúng ta đều cảm nhận được có cảm giác thoải mái đang đến, khiến chúng ta phải tìm cách giải thoát bằng việc nói những điều mình không đồng tình. Nhưng nếu người thứ 3 xuất hiện và hỏi: hai bạn đang làm gì đó? Bộ não lập tức sẽ rơi ra khỏi bầu không khí ban đầu, và tạo cơ hội cho chúng ta ý thức hơn về thực tại. Tại sao lại phải cãi nhau nhỉ? Mục đích ban đầu của cuộc hội thoại này là gì? Mình có đang nói gì sai không? Mình có thích không khí tranh luận căng thẳng này không?
Trong khi thiền được tin là giúp giải toả căng thẳng, cải thiện sự tập trung và mang đến nhiều lợi ích khác cho sức khoẻ, tôi thú nhận việc ngồi một chỗ và theo dõi nhịp thở thật sự rất khó. Đã có lúc tôi không thấy được hiệu quả của thiền dù luyện tập mỗi ngày, lý do là vì tôi không hiểu nguyên lý của bộ môn này. Thêm vào đó, tôi chưa tìm được phương pháp phù hợp nhất.
Chỉ với câu hỏi đơn giản: đang làm gì đó – tôi nhận ra mình ít gây ra những điều khiến bản thân phải hổ thẹn. Tôi có cơ hội tự vấn bản thân trước khi đưa ra mọi quyết định, kể cả đó là với một lời nói hay ánh mắt dành cho người khác. Khi được hỏi “đang làm gì đó?”, thật xấu hổ nếu nói “tôi đang cãi ầm lên với tên kia”, “tôi đang mắng bạn đó”. Quan trọng là tôi không bao giờ nói “tôi cũng không biết mình đang làm gì”.
“Bạn đang làm gì đó?” là phương pháp thiền mà tôi nghĩ có thể thực hành mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, như đã nói, đây là chia sẻ cá nhân, không có sự kiểm chứng của bất kỳ chuyên gia nào. Mong rằng, với những bạn đọc là người tin vào lợi ích của bộ môn này nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hoặc dành nhiều thời gian mà không thấy hiệu quả, có thể cân nhắc bí quyết này của tôi.
Chúc bạn luôn tỉnh táo và sáng suốt!
Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.
Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com