Cuối năm, dù ở đâu thì không khí lễ hội vẫn ngập tràn. Mặc dù có chút ám ảnh, tôi vẫn rất nhớ những bữa tiệc ở Việt Nam – nơi tôi chứng kiến người say nhiều hơn người tỉnh.

Tôi không tiêu thụ được đồ uống có cồn, vì thế ngày còn đi làm ở nhà, tôi sợ rất đi ăn liên hoan. Đúng là lúc đi hết mình, chưa về đã hết hồn. Không biết bao nhiêu người ôm bồn cầu và tuyên bố rằng “Từ nay về sau sẽ không đụng vào bia rượu nữa”, nhưng nhiều người trong chính họ “cầm đầu” trong những bữa tiệc có cồn. Mỗi lần đi ăn cùng mọi người và đến giờ “Zô”, cảm giác của tôi như ngày học cấp 3, hồi hộp chờ xem ai sẽ bị gọi tên. Ai cũng được mời, nhưng tôi nghĩ mình là số ít chưa bao giờ thật sự uống. Và tất nhiên, không khí ấy không mấy vui vẻ vì tôi đã không “nể mặt người mời”.

Từ những lần như vậy, tôi hiểu ra tại sao người say hay về nhà và nói với người nhà họ rằng, họ không muốn uống, chỉ là vì lý do công việc/vì sếp/vì bạn bè lâu ngày không gặp, hoặc vì…không uống không được.
Tôi không có ý định viết bài này để thanh minh cho những người say, thậm chí mục đích của tôi là ngược lại. Nhưng trước hết, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm hiểu về suy nghĩ của họ.

Uống bia, rượu thực chất cũng như việc tiêu thụ các đồ uống khác, hành động ấy đáp ứng nhu cầu nhất định của người uống. Chúng ta uống nước lọc để dịu đi cơn khát, uống nước ngọt để tiếp thêm năng lược, thì với đồ uống có cồn, người uống còn nhận được thêm một khoái cảm khác – đó là cảm giác được kết nối.
Kết nối là nhu cầu hết sức bản năng của con người. Chúng ta ghé những quán ăn đông người vì lựa chọn ấy tạo cho ta cảm giác an toàn, kết nối với đám đông. Khi đi dự đám cưới, ta ăn những món được dọn lên bàn chứ không phải mang theo đồ ăn riêng của mình, vì chúng ta thoải mái hơn khi làm những gì mà phần lớn mọi người xung quanh đều làm. Không phải ai đến quán Karaoke cũng hát, nhưng mọi người đều lắc lư theo tiếng nhạc, hoặc hò reo như một cách để kết nối.

Nếu ai đó làm điều ngược lại, hoặc người đó muốn chứng tỏ sự khác biệt – hoặc người đó không có nhu cầu kết nối.

Là người liên tục “làm điều ngược lại” trên bàn nhậu, nhưng tôi phải thừa nhận cảm giác kỳ cục mà tôi tự thấy về mình. Trong khi ai nấy đều vui vẻ khi thấy người đối diện cụng ly và uống, thì đến lượt tôi, nụ cười của họ dập tắt. Từ giọng điệu cổ vũ, họ phải dùng lời lẽ châm chọc, rồi đến trách móc và thậm chí là đe doạ (với một số người cực đoan). Nếu đồng ý uống thì chỉ mất chưa đầy 1 phút là có thể hoàn thành nhiệm vụ và tôi có thể giữ cho bầu không khí vui vẻ. Thế nhưng phải mất nhiều thời gian hơn vì người mời tìm cách để tôi đồng ý, và tôi cảm giác thời gian như ngừng trôi khi tôi phải đối diện với tình huống ấy.

Tôi tin rằng không nhiều người thích cách của tôi. Đối với họ, thật phiền phức khi phải nói lời từ chối, chưa kể cũng chẳng hề dễ chịu khi phải nghe lời khiêu khích từ ai đó chỉ vì một ly rượu hay bia. Với nhiều người, đặc biệt là phái mạnh, tửu lượng còn là một công cụ để họ thể hiện khí phách.

Thông qua mạng xã hội, tôi được chứng kiến chuyện nhà người ta. Một người phụ nữ gọi tên chồng vào bài viết/hình ảnh với thông điệp phải dừng ngay việc ép nhau uống đến say xỉn trên bàn nhậu. Nhiều bình luận cho rằng đàn ông thật ấu trĩ khi lấy bia rượu ra để thể hiện đẳng cấp với nhau. Có người đồng tình cho rằng đàn ông không uống được thì cũng chẳng có gì là “mất oai”, từ chối là xong.

Tôi nghĩ điều này không dễ dàng như chúng ta nói. Được chứng tỏ bản thân là một mong muốn bản năng của vạn vật. Nghe tiếng của con gà trống nào đó trong xóm, những cậu còn lại có xu hướng gáy to hơn và liên tục hơn. Khi nhận ra có người chú ý, hồng hạc (Flamingo), thiên nga hay loài công đều cố chứng tỏ sự hấp dẫn về ngoại hình của mình bằng nhiều cách khác nhau như xoè cánh thật rộng, di chuyển thật uyển chuyển trên mặt nước…
Câu chuyện tương tự được tôi “nghe lén” từ hai bạn gái đi mua đồ trang điểm. Chúng tôi đều đứng rất lâu ở quầy trưng bày bảng màu mắt, lúc tôi vẫn loay hoay không biết nên chọn loại nào, thì một bạn nói với đồng đội của mình rằng: chọn cái bảng có hộp đen nhám này đi, mỗi lần ra ngoài lấy ra dùng nhìn cũng đẳng cấp nè! Nhìn giống của Chanel chớ bộ!

Tóm lại, mọi thứ xung quanh đều có chức năng tôn lên giá trị của bản thân, chỉ khác là một số người sử dụng rượu bia, một số người khác dùng trang sức, quần áo, điện thoại, nhà, xe…

Tuy nhiên, nếu cách sống bản năng ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh thì đó là chuyện khó để thông cảm. Bản năng chúng ta muốn được tán thưởng và khen ngợi, vì vậy ta hi vọng việc uống được nhiều sẽ giúp chúng ta có được sự ghi nhận. Nhưng nếu sau đó là sự xuống cấp của sức khoẻ, hạnh phúc bền vững của gia đình bị lung lay vì những lời nói khi say xỉn, vì chúng ta khiến người nhà phải phục vụ mình, thì dường như ta đang sai.
Hưởng thụ niềm vui trên bàn nhậu là bản năng, nhưng từ chối những cuộc vui vì ta nhận thức được hậu quả đằng sau đó – lại là bản lĩnh.

Một liên hệ rất gần gũi đó là chiếc điện thoại. Xem những video New Year Resolution (tạm dịch: mục tiêu cho năm mới), tôi thấy thật thú vị vì nhiều người đặt ra mục tiêu không-đụng-đến-điện-thoại khi lên giường đi ngủ. Khi đi làm hay đi học, ta ước được lao về nhà để ngủ một giấc thật đã đời, thế mà buổi tối phần lớn mọi người lại ôm điện thoại đến sáng. Quả thât, lướt điện thoại mang lại cảm xúc thư giãn khó giải thích, nhưng thức đến 2h sáng với nó là bản năng. Ngược lại, bản lĩnh thuộc về những người biết rằng ta phải thức dậy và làm việc vào ngày mai sẽ tắt điện thoại sớm hơn để đi ngủ.

Hiểu về bản năng giúp ta hiểu hơn về những điều con người bình thường hay làm, và thông cảm hơn với những lỗi lầm chúng ta từng mắc phải. Hiểu về bản năng sẽ cho ta biết rằng, thật may mắn vì ta đã nhận ra được nguyên lý hai mặt của mọi vấn đề, về ảnh hưởng của hành động cá nhân lên cuộc sống của người xung quanh.

Và đã đến lúc sử dụng đến phần bản lĩnh để bảo vệ cho những điều ta trân trọng.


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *