Sau hơn 20 năm, cuối cùng tôi đã tìm được một chút can đảm để làm điều mà tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt: chia sẻ với gia đình về những khó khăn của mình.

Đó cũng là cuộc hội thoại tôi rất muốn có với bố mẹ, nhưng nhiều năm qua chưa dám mở lời.

Suốt 8 năm xa nhà, có lẽ chưa một ngày nào chúng tôi quên gọi điện cho nhau. Đó vừa là thói quen, lại vừa là điều đơn giản nhất tôi có thể làm để gia đình yên tâm. Nếu chứng kiến những cuộc nói chuyện ấy, có lẽ bạn sẽ nghĩ tôi thật kỳ cục. Rõ ràng tôi đang đối mặt với nhiều áp lực, vậy mà khi nghe điện thoại lại thấy một dáng vẻ hoàn toàn khác. Chẳng phải chúng ta trần trụi nhất khi về nhà với bố mẹ sao? Là tại bản thân tôi hay tại bố mẹ tạo nên bức tường vô hình ở giữa khiến tôi không hề chia sẻ bất cứ điều gì với họ?

Nguyên nhân sâu xa thì thật sự tôi không biết, nhưng lý do khiến tôi không thể mở lòng là vì tôi từng không hiểu được ý nghĩa của việc nói chuyện với bố mẹ. Thêm vào đó, chúng tôi đều tin rằng đối phương không hiểu được mình.

Có khoảnh khắc nào trong đời khi bạn thấy đường mình đi không bằng phẳng, bạn chợt nghĩ: ước gì mình có thể nói ra và xin lời khuyên từ anh A, chị B hoặc như tôi – với chính người trong nhà? Nhưng rất nhanh sau đó lại có tiếng nói khác: nói xong thì cũng để làm gì đâu? Hoặc, nói rồi người ta cũng không hiểu…

Chính xác là như vậy.

Nếu chia sẻ với người kia rằng mình cảm thấy nhiệm vụ đang làm rất khó khăn, một ai đó không đối tốt với mình, thấy mệt mỏi…thì tôi lại sợ họ nghĩ tôi non trẻ, không vững vàng và yếu đuối trước những khó khăn đầu đời.
Nếu nói về những điều tôi bất mãn, tôi thấy vô lý hoặc thiếu công bằng, thì hình như trong mắt người đối diện, tôi chỉ biết trách móc, phàn nàn trong khi bao nhiêu người khác trong môi trường của tôi vẫn vượt qua được.

Thời gian trôi qua, tôi nghĩ mình luôn tỏ ra rất tự tin, sống vui vẻ, tích cực và quyết tâm làm điều mình muốn. Vô hình chung, điều đó tạo nên áp lực rất lớn, đặc biệt là khi tôi lựa chọn điều mà bố mẹ ngăn cản, rồi cuối cùng tôi không thành công với lựa chọn đó.
Nhưng đồng thời, tôi nhận ra trong khi trẻ con sợ người lớn không hiểu mình, thì người lớn cũng nghĩ rằng tụi trẻ con vừa không hiểu chuyện, vừa không có kinh nghiệm sống. Bố mẹ và chị gái tôi đều nghĩ rằng tôi không hiểu những lo lắng họ dành cho tôi, nhưng không có cách nào đối thoại và giải thích.

Những yếu tố ngăn cản những cuộc thảo luận, rất khó để hai bên tìm được tiếng nói chung. Quan trọng là không ai đủ kiên nhẫn lắng nghe đối phương, và vì thế như một quy luật ngầm, trong nhà chỉ nên hỏi nhau những chuyện thường nhật, hạn chế tranh cãi đến mức tối đa.

Tuy nhiên, tôi đã trải qua thời điểm mà việc tâm sự không phải chỉ để giải toả cảm xúc nhất thời – mà hơn hết, tôi muốn tìm lại giá trị con người mình.
Có rất nhiều yếu tố, sự kiện xảy ra trong quãng thời gian trưởng thành khiến chúng ta đánh giá thấp, hoặc quên đi giá trị của bản thân. Trượt ĐH, ta nghĩ mình sẽ rơi xuống địa ngục. Rớt môn hoặc thấp điểm, ta nghĩ có lẽ sau này mình sẽ đứng ở dưới đáy xã hội. Thất nghiệp, ta không muốn tiếp túc với ai vì cảm giác thất bại. Khởi nghiệp không thành công, đi làm không thuận lợi, ra xã hội bị mắng mỏ, chỉ trích…ta so sánh mình với người khác và cảm thấy như mình là người vô dụng nhất trái đất.

Ngoài những nỗi lo cá nhân, chúng ta thường có thêm một khao khát đó là khiến gia đình được tự hào. Bản thân tôi cũng luôn nghĩ rằng mình phải học tốt, có bằng cấp, có công việc và mức lương “béo bở”, thậm chí cố gắng làm được những điều lớn lao…thì mới khiến bố mẹ vui lòng.
Tôi nghĩ có rất nhiều bạn trẻ tìm đến cái chết khi họ vấp ngã, cũng một phần vì họ không đạt được khao khát, đó là trở thành niềm tự hào của gia đình. Nhưng, rất ít người biết, bố mẹ chúng ta thực sự quan tâm điều gì.

Khoảng cách giữa những thế hệ trong gia đình tạo nên rất nhiều hiểu nhầm khi không có đối thoại. Tôi từng nghĩ bố mẹ tôi rất truyền thống và ghét chuyện yêu đương, vì thế chưa một lần tôi kể về bạn trai. Tôi nghĩ bố đặt rất nhiều hi vọng vào con đường sự nghiệp của tôi, và tôi nhất định phải hoàn thành mọi mục tiêu. Tôi nghĩ mẹ tôi rất đa nghi và sợ tôi bị con trai lừa gạt, vậy nên tôi hoàn toàn không nhắc đến bất kỳ một người đàn ông nào, cho dù đó là sếp, giáo viên hay bạn bè. Thậm chí tôi nghĩ tình yêu đối với tôi không quan trọng, chỉ cần là người mà bố mẹ, chị gái tôi thích – tôi sẽ lựa chọn người đó.

Cho đến khi quan sát được những gia đình khác, những câu chuyện của bạn bè về việc họ rất hối hận khi có suy nghĩ rất cực đoan về bố mẹ…tôi hiểu ra rằng, cho dù tôi trở thành người như thế nào, làm gì, ở đâu và cùng ai, điều duy nhất mà người nhà mong muốn là thấy tôi được khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Chỉ hai điều đó thôi, mà chúng ta lại ngỡ những gì mình cần làm để cha mẹ vui là phải đong đếm được như, tiền lương, địa vị, thành tích…Thì ra, mọi sự cấm cản đến từ thái độ giáo dục cực kỳ hà khắc và nhiều tiêu chuẩn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của người lớn, rằng trẻ con thiếu kinh nghiệm, phải chỉ dạy để chúng không lầm đường lạc lối. Nỗi sợ ấy có thể sẽ kéo dài cho đến khi họ nhắm mắt xuôi tay, đơn giản vì họ không biết trong đầu chúng ta nghĩ gì, ra xã hội ta hành xử thế nào.

Do đó, tôi tin rằng thật tốt nếu có thể mở lòng với gia đình; thật tâm chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những điều chúng ta không xác định được và cả những thất bại dù lớn hay nhỏ. Đứng trước những người yêu thương ta vô điều kiện, bạn biết chắc một điều rằng họ sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn, bằng cách khẳng định vị trí của bạn trong lòng họ. Dù không nói ra, thì cha mẹ luôn là người đầu tiên ghi nhận những nỗ lực của chúng ta, và là người ở lại đến giây phút cuối cùng, để chứng minh cho ta thấy, mọi điều ta đã và đang làm đều thật tuyệt vời.

Điều nhẹ nhàng nhất ta có thể làm cho gia đình, khi còn có cơ hội, có lẽ là dũng cảm đối thoại. Tin tôi đi, khi bạn cau mày kể về những ngày tháng tồi tệ và đánh giá bản thân như một người ngu ngốc, người ấy sẽ cho bạn biết, họ thật hạnh phúc vì được lắng nghe bạn.

Họ thật sự rất hạnh phúc vì bạn đã mở lời.


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *