lý.

Là một người hiếu thắng, tôi đặc biệt sợ 2 điều: nhìn về phía trước không có mục tiêu để cố gắng, và ngoảnh lại không có cột mốc để tự hào.

PhD có lẽ là mục tiêu lớn nhất của tôi từ trước tới nay. Trước khi trở thành sinh viên PhD chính thức, tôi được nghe “cảnh cáo” từ nhiều người, rằng tỉ lệ theo học (chương trình ít nhất 4 năm) là 50%, và tỉ lệ thành công tốt nghiệp của 50% còn lại là 20%. Tôi cũng chứng kiến sự đánh đổi của nhiều người khi bước vào con đường này, cả về tiền bạc, thời gian, sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần.
Tôi không kì vọng mình sẽ hoàn thành nó một cách suôn sẻ, nhưng tôi tự hứa với bản thân, rằng sẽ không nằm trong số 50% bỏ cuộc giữa đường.

Ý chí là một tài sản vô giá để chúng ta sống một cuộc đời vững vàng và mạnh mẽ, để đạt được những điều phi thường hơn so với bản năng. Nhưng tôi tin rằng, điều quan trọng hơn cả ý chí, đó là suy nghĩ tỉnh táo về mục tiêu mà mình đang hướng tới.

Start with why được viết bởi tác giả Simon Sinek là một trong rất ít cuốn sách phát triển bản thân (Self-help) mà tôi thấy ấn tượng. Thông điệp chính của cuốn sách, nói một cách vắn tắt, là trước khi có ý định từ bỏ thì hãy nghĩ kĩ lại xem vì sao trước đây chúng ta muốn làm điều đó.
Tuy nhiên, khi đọc lại nó sau nhiều năm, những gì tôi học được không chỉ dừng lại ở việc bắt đầu với câu hỏi tại sao, mà còn nhiều câu hỏi khác quan trọng không kém.

Rõ ràng, tự vấn bản thân trước khi đưa ra quyết định là điều cần thiết. Tại sao tôi muốn chọn ngành nghề này? Tại sao tôi phải quyết tâm vào được công ty kia? Tại sao tôi muốn kết hôn với người đó mà không phải ai khác?… Bắt đầu với câu hỏi Tại sao giúp chúng ta sắp xếp lại những luồng suy nghĩ bộn bề. Thế nhưng, thực tế thì thường những gì ta trả lời có xu hướng bổ trợ, hơn là phản bác lại ý định ban đầu.

Ví dụ, năm chuẩn bị tốt nghiệp ĐH, tôi bắt đầu lên kế hoạch cho chương trình Thạc sỹ và tôi tự hỏi: tại sao mình lại muốn sang Đài Loan làm MBA?
Quyết định cuối cùng của tôi có thể cho mọi người thấy được rằng tôi đã đưa ra rất nhiều lý do tích cực để thuyết phục bản thân, rằng Đài Loan là một quốc gia đáng để tôi ghé thăm, học tập và sinh sống. Thực tế, vì tôi đã có ngấm ngầm tự khẳng định là tôi muốn sang Đài và câu hỏi “tại sao” chỉ một lần nữa củng cố sự tự tin của tôi mà thôi.
Tương tự, tôi ấp ủ ý định làm tiếp PhD trước khi kết thúc chương trình MBA, và sau cùng tôi đã tin quyết định ấy là đúng, con đường ấy là dành cho mình bởi rất nhiều điều tốt lành kèm theo câu hỏi: Tại sao tôi nên làm PhD?

Khi gặp khó khăn hay khi nhận ra những gì mình suy nghĩ ban đầu không giống với thực tế đang đối mặt, tôi vẫn tiếp tục sử dụng câu hỏi Tại sao, với mục đích là tiếp thêm sức mạnh bước tiếp. Sau vài năm với PhD, tôi cũng tự nhủ mọi lựa chọn đều có giai đoạn “trũng” – không thuận lợi – và chỉ cần luôn nhớ lý do mình bắt đầu thì tôi đều có thể vượt qua. Đúng hơn là, tôi nên vượt qua.

Có hai điều tôi không nhận ra, từ đó khiến tôi luôn sống trong ảo ảnh của một “chiến binh” và tự mang đến cho mình rất nhiều tổn thương về tâm lý.

Thứ nhất, tôi chưa từng nghĩ: nếu KHÔNG tiếp tục con đường đã chọn thì mình sẽ ra sao?
Chúng ta dễ dàng tưởng tượng ra cuộc sống của một người thành công về tài chính, gia đình, hay sự nghiệp, vậy nên mục đích cố gắng thường là để có được cuộc sống của những tấm gương như vậy. Lao động cật lực, bỏ qua mọi mệt mỏi về thể xác và tinh thần với hi vọng tương lai không phải lo lắng về tiền bạc, mua sắm thoải mái, được nhiều người kính nể. Vô tình, mục đích của ta là lại là bản sao của người khác, mà quên mất hỏi ngược lại: những điều đó có quan trọng với mình không? Hoặc, nếu không đạt được những điều như vậy, mình có thể làm gì để cuộc sống có ý nghĩa hơn?

Thứ hai, tôi quên mất một sự thật: mọi thứ đều thay đổi.
Những điều tôi của 2 năm trước cảm thấy rất đỗi quan trọng, đến mức có thể đánh đổi sức khoẻ, thời gian hay tiền bạc để chạm đến, lại trở thành gánh nặng ở thời điểm hiện tại. Điều đó có thể là vì quy luật tự nhiên, hoặc vì chính trải nghiệm của cái thứ mà tôi đang theo đuổi đã khiến góc nhìn của tôi trở nên “bớt” tươi sáng. Và rất ít người có thể tự tin đối mặt với sự thay đổi của chính mình.

Bắt đầu với câu hỏi Tại sao, và giữ cho tâm trí được sống ở thời điểm hiện tại, theo tôi, có ý nghĩa bao quát hơn câu nói Đừng bỏ cuộc. Tôi hoàn toàn có thể cổ vũ bạn tiếp tục đứng dậy sau vấp ngã, luôn bình tĩnh khi gặp khó khăn, và thậm chí đừng bỏ cuộc NẾU bạn chắc chắn rằng trải nghiệm lúc này khiến bạn hạnh phúc.

Sẽ rất tuyệt nếu chúng ta có thể rèn luyện cho mình sự kiên cường, quyết tâm để đạt được mong ước. Nhưng, điều quan trọng hơn, là đảm bảo đó thực sự là mong ước, là điều sẽ khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi tích cực, và khi chạm được đích đến ta vẫn thấy hành trình mình đi qua có ý nghĩa!


Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *