Tôi nghĩ rằng những tổn thương tinh thần mình phải trải qua đều xuất phát từ suy nghĩ: tôi không có lựa chọn, hoặc không có lựa chọn tốt hơn.
Cách đây nhiều năm, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ, phải khó khăn lắm tôi mới được nhận vào làm việc ở một khách sạn. Hành trình tìm việc làm ở thời điểm đó dù mang lại cho tôi nhiều bài học nhưng cũng vô tình trở thành nỗi ám ảnh đến tận lúc này. Vì mất hơn nửa năm nạp hồ sơ và phỏng vấn, nên khi có được lời đề nghị đầu tiên, tôi đã không suy nghĩ nhiều mà quyết định thử. Nửa năm sau đó, đúng như tên gọi, tôi chính là “Zombie chốn công sở”.
Thực ra tôi đã không hạnh phúc với công việc ấy chỉ sau 3 tháng đi làm, nhưng nghĩ đến thời gian lãng phí tìm việc trước đó, tôi vẫn tiếp tục. Nếu bạn đọc từng có những ngày giống tôi, có lẽ bạn hiểu được cảm giác mỗi ngày đi làm như có ai ép buộc, mọi thứ rối ren trong đầu khiến mối quan hệ của tôi với môi trường làm việc không được tốt. Tôi đã nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác, nhưng nghe các đồng nghiệp khác nói rằng bản chất của ngành công nghiệp này là như vậy, ở đâu cũng giống nhau mà thôi. Tôi nghĩ nếu vẫn muốn ở trong lĩnh vực này có lẽ không có lựa chọn tốt hơn.
Tương tự như ngày đi tìm việc, để trở thành nghiên cứu sinh của một trường công lập ở Đài Loan, tôi phải trải qua nhiều ngày tháng khó khăn. Nhưng khi ở vị trí của người trong cuộc, tôi nhận ra đây không phải thứ tôi muốn, tôi dường như không thuộc về nơi này. Lần này, tôi phải mất đến một năm mới tìm ra cách giải quyết, và kết cục tôi nhận được là rất nhiều vấn đề về sức khoẻ thể chất, nặng hơn là tôi thấy mình có dấu hiệu của bệnh trầm cảm do căng thẳng lâu ngày.
Rất nhiều nghiên cứu sinh gặp phải tình trạng như tôi và chuyện liên tục nhập viện cũng chẳng xa lạ gì với chúng tôi nữa. Sau tất cả, dù có người rời đi, có người đến lúc này vẫn bám trụ thì chúng tôi từng có một suy nghĩ chung, đó là “hết lựa chọn rồi”.
Với tâm thế của người đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tôi muốn gửi lời động viên tới tôi trước đây, rằng sẽ luôn có ít nhất 2 lựa chọn cho mọi tình huống:
Lựa chọn 1: tìm hiểu vấn đề và khắc phục
Lựa chọn 2: nhận ra mình chọn sai, thì cứ chọn lại
Khi nói rằng, “tôi không có lựa chọn khác”, cũng có thể hiểu rằng người nói đang mất niềm tin vào tương lai phía trước. Quả thật, tôi từng mất hi vọng vào chính mình và trong đầu chỉ toàn sợ hãi. Điều gì đảm bảo rằng nếu tôi lựa chọn công việc khác, môi trường khác thì mọi thứ sẽ tốt hơn? Nếu tôi lại gặp phải vấn đề cũ, thậm chí là tệ hơn thì khác nào tránh vỏ dưa mà gặp vỏ dừa? Rồi lại mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn ấy đến bao giờ? Tôi sợ mình lại lựa chọn sai thêm một lần nữa, lại lãng phí thời gian.
Sợ hãi là cảm xúc xuất hiện rất nhiều lần trong đời, đặc biệt với những người nghiện-sự-chắc-chắn như tôi. Nó không chỉ khiến tôi mất niềm tin với bản thân, mà còn che lấp đi sự tỉnh táo, khiến tôi không có khả năng phân tích những diễn biến ở thời điểm hiện tại.
Đồng thời, sợ hãi cũng khiến tôi…lười hơn. Lười phải suy nghĩ về lý do mình có mặt ở đây, suy nghĩ về động lực hay mục đích mình lựa chọn nơi này – nơi mà mình cho là địa ngục. Tôi cũng lười đánh giá bản thân, nhìn lại xem vấn đề của mình là gì, yếu tố bên trong hay ngoại cảnh tác động đến tôi trong suốt thời gian qua. Và điều đó khiến tôi phải nhận một cái giá rất cao cho sức khoẻ.
Khi tìm hiểu về Phật pháp và cách đối mặt với suy nghĩ nội tại, tôi học cách hiểu bản thân và thế giới xung quanh, về những con người có ảnh hưởng trực tiếp tới tôi. Chọn tìm cách khắc phục cho những vấn đề đang diễn ra là lúc ta xác định điều mình có thể và không thể thay đổi. Nhưng điều quan trọng nhất, là bản thân chúng ta phải trả lời câu hỏi: ta có thật tâm muốn cải thiện tình trạng này hay không? Có muốn dành thời gian, công sức để hoà hợp với những con người hoặc những sự việc đang mang cho ta rất nhiều phiền muộn hay không?
Tôi từng tìm cách cố gắng, vì nghiên cứu là con đường sự nghiệp tôi muốn theo đuổi. Để làm được điều đó, tôi phải nỗ lực có được tấm vé Tiến sỹ.
Có lẽ bạn cũng đoán ra được rằng tôi không thành công với lựa chọn số 1. Không cần nói thêm về những đổ vỡ trong lòng, tôi một lần nữa chìm đắm trong tuyệt vọng và căng thẳng. Điều may mắn nhất là tôi có cơ hội chia sẻ với những người tin tưởng và thông cảm cho mình. Từng chia sẻ về sách self-help và hệ quả của những câu nói như “Đừng bỏ cuộc”, bản thân tôi được ủng hộ đi ngược lại với điều đó. Tôi nghĩ mình đã xông pha một cách mù quáng, nghĩ rằng cứ lao đầu tiến lên, bỏ qua hết mọi cảm xúc và tập trung vào mục tiêu cuối cùng thì sẽ đạt được thành công. Tôi đã đánh giá quá cao về tương lai, với hi vọng có được thứ tôi cho rằng rất vinh quang, mà không nghĩ rằng, nếu tiếp tục thế này, liệu mình có cơ hội hưởng thụ vinh quang ấy không? Và so với những gì đang đánh đổi, điều tôi đang mơ có xứng đáng không?
Khí thế hừng hực một thời và khao khát thành tích đã luôn đẩy tôi về phía trước, với suy nghĩ rằng mình phải “đạt được điều đó bằng mọi giá”. Sau này tôi nhận ra, thứ phải có được “bằng mọi giá” là thứ đắt đỏ nhất, nhưng lại ít giá trị nhất. Ngược lại, điều giản đơn nhất như một giấc ngủ ngon, một ngày không nghĩ xấu về người khác hay làm việc với niềm vui lại là thứ cần vun đắp mà không phải ép buộc. Do đó, tôi biết mình chọn sai, và quyết định chọn lại.
Không phải mọi chuyện đều theo công thức như vậy, nhưng tôi tin rằng chúng ta luôn có lựa chọn, và hãy cố gắng lựa chọn sống nhẹ nhàng, vui vẻ.
Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.
Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com