Tôi là người cẩn trọng trong việc giao tiếp với người khác. Có lần tôi nhận được một tin nhắn rất dài từ đồng nghiệp, vừa trách móc, lại có chút buồn lòng, rằng tôi quá dè chừng với mọi người và không chịu bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Người ấy đến bây giờ vẫn đang là bạn thân của tôi.

Một trong những lý do khiến tôi không dám nói chuyện nhiều với người khác, là vì sợ không hiểu được cảm giác của họ. Khi không hiểu được những gì người đối diện đang trải qua, chúng ta có xu hướng nói ra những điều không nên nói. Ví dụ như thấy người khác đang khóc nức nở, ta bất lực khuyên bạn “đừng khóc nữa”. Hoặc khi ai đó đang than thở về một người thứ 3 khiến cho họ cảm thấy rất tệ, ta lại tuyên bố xanh rờn: thôi, kệ (người đó, chuyện đó) đi!

Kỳ lạ là khi có ai đó nói tôi đừng khóc, tôi lại khóc nhiều hơn. Tương tự, khi tôi kể về kẻ mà (trong một giai đoạn) khiến tôi ghét vô cùng, và bạn hùng hổ khuyên tôi: bơ đi mà sống, đột nhiên tôi nhận ra mình lại có thêm một người để ghét.

Thật dễ để trở thành người đưa ra lời khuyên, nhưng việc lắng nghe và thấu hiểu với tôi chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ khi trải qua nhiều sự kiện đáng nhớ, với nhiều hỉ, nộ, ái, ố, đặc biệt là có những kỷ niệm không vui trong mối quan hệ với người khác, tôi mới nhận ra tìm một người đồng cảm khó đến thế nào.

Chẳng có chuyện gì, hay bất kỳ ai xuất hiện trong ký ức của ta, tạo nên những xúc cảm tích cực, hay tiêu cực mà ta có thể “kệ” được.
Nếu làm việc dưới sự điều hành của một lãnh đạo yêu thích chỉ trích, luôn nói ra những lời “xát muối vào tim” khiến bạn mỗi ngày đến công ty trong tình trạng căng thẳng dù chẳng làm gì sai, thật không dễ gì để “kệ”.
Sống cùng một người bừa bộn, lịch sinh hoạt ngược đời ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, cũng khó để “kệ”.
Một bạn người yêu luôn dò xét, yêu cầu phải thông báo lịch trình cụ thể cho dù đi tới đâu, gặp gỡ ai, bạn “kệ” nổi không?

Tôi không biết câu trả lời của bạn là gì, nhưng tôi tin rằng cảm giác khó chịu của bạn sẽ luôn tồn tại. Và việc bắt ép mình phải làm ngơ trước những điều không vui là hành động ngược đãi, chỉ khiến hình ảnh về con người, hay sự việc đó in sâu hơn vào tâm trí của bạn.
Đơn giản vì bộ não ấn tượng và ghi nhớ những cảm xúc mạnh mẽ nhiều hơn.

Một sinh viên Thạc sỹ kể với tôi về 2 năm học ác mộng. Cho dù đã rất cố gắng để mỗi ngày sinh hoạt khoa học, lúc buồn thì đi dạo, lúc căng thẳng thì dành thời gian vui vẻ với bạn bè, nhưng trong suốt quãng thời gian đi học, những câu nói của vị GS hướng dẫn luôn vang trong đầu em. Chỉ đến khi phải uống quá nhiều thuốc trầm cảm mà không thấy khá hơn, em đã quyết định dừng lại, không luận văn, không bằng cấp, chỉ mong sống vui vẻ. Nhưng sau đó, em nói với tôi rằng em vẫn rất buồn và lo lắng khi nghĩ đến việc học, đặc biệt là em không thể quên được những câu chửi bới của vị GS kia. Rõ ràng em đã quyết định từ bỏ, mà sao không thể “kệ” được?

Tôi nghĩ đó là điều hết sức bình thường.

Chúng ta luôn có mục đích và mong đợi trong mọi việc, đặc biệt là về thành quả hữu hình. Ta đi làm với mục đích thoát khỏi nạn thất nghiệp, thêm nữa, thành quả được mong chờ nhất là những con số trong tài khoản. Mọi người đi học với mục đích nâng cao kiến thức, nhưng thành quả được đong đếm qua tấm bằng. Vì vậy, nếu đi làm với mức thù lao không như mong đợi thì trong lòng khó mà yên bình, cho dù là nhân viên của công ty nổi tiếng, sếp dễ thương, đồng nghiệp thân thiện và giờ giấc thoải mái.
Với trường hợp của bạn sinh viên ở trên, khi quyết định dừng lại, trong lòng bạn dẫu rằng như trút bỏ được áp lực, thì vẫn tồn tại một gánh nặng vô hình, vì sau 2 năm học toàn thời gian, bạn không có được tấm bằng Thạc sỹ.

Một yếu tố khác khiến chúng ta không thể bỏ qua những ý nghĩ tiêu về ai đó, là vì họ có tác động trực tiếp đến kết quả trong việc ta làm. Rất khó để bỏ ngoài tai lời người quản lý, mặc dù bản thân ta biết nhiều câu khiển trách của họ không đúng sự thật và không phản ánh toàn diện đóng góp của mình trước đó. Tương tự, sinh viên dù không muốn nhưng rất dễ bị ám ảnh bởi những nhận xét của GS hướng dẫn, vì đó là người mà chúng tôi nói đùa (nhưng là thật) – người ấy “nắm quyền sinh quyền sát trong tay”. Vì thế, ta có xu hướng tự đoán và tự khẳng định suy nghĩ của họ về ta: ông/bà ấy nói vậy chắc là nghĩ mình kém cỏi lắm, chắc chẳng coi mình ra gì…

Khi ở trong một môi trường, mọi sự quan tâm, buồn, vui của bạn đều bị ảnh hưởng từ đó. Vì vậy, “kệ đi” là điều dường như không thể. Tuy nhiên, nếu những gì bạn đang trải qua có tác động xấu đến sức khoẻ thể chất và tinh thần, đó là câu chuyện khác. Theo tôi, đó là vấn đề cần được đào sâu để giải quyết bằng sự tỉnh táo và phân tích kĩ lưỡng, thay vì bỏ mặc.

Tôn trọng và thấu hiểu với cảm xúc của người khác là điều mà thời gian gần đây tôi rất nghiêm túc học hỏi, và “sự học” này thật sự cần thời gian cũng như kinh nghiệm sống, phải không bạn?


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *