Một tuần này Youtube feed của tôi chủ yếu hiện ra các video về chủ đề New Year Resolution – gợi ý cách thức lập kế hoạch hoặc chia sẻ những mục tiêu mới cho năm 2022 sắp tới. Cảm giác thật tuyệt vời khi một năm cũ chuẩn bị khép lại và ngồi suy nghĩ về 365 sắp tới. Giống như việc chúng ta “thề” là bắt đầu từ thứ hai sẽ đi chạy bộ, và may quá bây giờ mới chỉ 10h tối Chủ nhật thôi.
Tôi là người thích lên kế hoạch và chủ động lập deadline, nhưng sau nhiều năm nhận ra việc chưa làm được nhiều hơn những việc đã hoàn thành, tôi đã không còn lập ra danh sách mục tiêu cho năm mới, những cuốn sách cần đọc, thói quen tốt cần xây dựng…
Thay vào đó, tôi chỉ tập trung rèn luyện một đức tính: giữ lời hứa với chính mình.
Trước đây, tôi không chỉ lên kế hoạch cho năm mới, mà cả cho từng tháng, tuần, và từng ngày. Một trong những lý do khiến tôi hạn chế bản thân khỏi thói quen này, đó là vì cảm xúc tiêu cực sau khi nhìn lại những gì mình chưa làm được theo kế hoạch. Đầu tiên, việc lập kế hoạch mất rất nhiều thời gian, đến mức tôi nghĩ rằng trong ngày chỉ có 20% thời gian là tôi hành động, còn lại 80% dành cho việc nghĩ xem nên làm gì và phân bổ lịch sao cho hợp lý.
Thế nhưng đến cuối ngày, hoặc là tôi không hoàn thành các đầu việc một cách chu toàn, hoặc là tôi chỉ làm được một vài nhiệm vụ. Nhiều ngày trôi qua, tôi như đứng trước núi bát đĩa ngày Tết, vì hôm qua chưa rửa nên hôm nay phải rửa gấp đôi. Tôi đã làm gì trong suốt ngần ấy thời gian? Vì tôi làm việc quá chậm, không tập trung hay không đủ khả năng với đầu việc nào đó? Tôi cần làm gì để cải thiện năng suất và hiệu quả? Khi chưa tìm được câu trả lời, tôi vẫn bị bủa vây với cảm giác xấu hổ với chính mình.
Dần dần, tôi tiếp tục học cách rút gọn số lượng công việc muốn hoàn thành, và chỉ đề ra 2-4 đầu việc mà tôi cho là quan trọng, cần phải làm ngay. Với Google Calendar, tôi còn đề ra mục tiêu cho mỗi giờ đồng hồ để cố gắng kiểm soát thời gian bị lãng phí đến mức tối đa. Tuy nhiên, dù bằng nhiều phương pháp khác nhau, thực tế chứng minh kết quả không mấy khả quan.
Một buổi tối Chủ Nhật u ám, nhìn lại hàng loạt chỉ tiêu trong tuần cũ chưa hoàn thành, tôi sợ hãi khi nghĩ đến 7 ngày trước mắt với những kế hoạch mới. Tôi quyết định đọc lại nhật ký của 2 năm về trước để thoát ra khỏi cảm giác bồn chồn ấy.
Tôi bật cười trước những dòng tự trách móc bản thân vì nhiều lúc lướt mạng xã hội thay vì đọc sách, xem Youtube thay vì viết bài, hoặc đi chơi với chị bạn học chung PhD trong khoa cả buổi chiều thay vì học hành nghiêm túc. Có đoạn tôi viết: “Mình nghĩ mình là đứa thất bại nhất trong lịch sử loài người. Hết tuần này sang ngày khác lên kế hoạch chi chít, lúc đặt chi tiêu thì hừng hực khí thế, tự tin hết mức, thế mà lúc làm thì chẳng ra sao. Có những việc cả tháng vẫn chưa xong mà bày đặt lập kế hoạch này nọ lọ chai. Hết thuốc chữa!”
Cũng từ buổi tối hôm đó, tôi nhận ra mình đã “sống ảo” suốt quãng thời gian vừa qua. Việc lên kế hoạch cho mỗi ngày, với tôi, cũng giống như một liều thuốc an thần vậy. Nó giúp tôi cảm thấy mình đang tích cực, sống kỷ luật và nề nếp. Bên cạnh đó, nhìn thấy hàng dài to-do list chỉ là công cụ để tôi “thể hiện” với chính mình, để được thấy mình bận rộn và có ích. Kết cục là nếu không hoàn thành mục tiêu, tôi sẽ quay sang chỉ trích bản thân, thậm chí là cười nhạo.
Một phát hiện khác, đó là dù tôi không hoàn thành báo cáo, thì tôi vẫn có mặt lúc 1h chiều vì đã hứa đi cafe với bạn. Dù muốn, tôi cũng không thể huỷ cuộc hẹn này, như vậy thật thiếu tôn trọng!
Vậy, vấn đề nằm ở chỗ tôi không hiểu bản chất sâu xa của việc lập kế hoạch. Thay vì đóng vai của một người nghiêm khắc, yêu cầu bản thân phải thực hiện bằng hết danh sách công việc mà không quan tâm những yếu tố khác; ngược lại, tôi nghĩ mình muốn được tôn trọng hơn.
Tôi muốn trở thành người làm được thì mới nói, hoặc đã nói thì sẽ làm.
Là người biết giữ lời hứa. Và mọi lời hứa sẽ luôn phải được thực hiện trong vòng 24h.
Dù vẫn luôn có sổ tay công việc, tôi không còn viết nhiều về những dự định, mà thay vào đó là tự suy nghĩ về lời hứa với chính mình trong ngày: hôm nay tôi nhất định sẽ thực hiện một điều, và đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Quả thật, tôi thấu hiểu và dành nhiều tôn trọng hơn với quỹ thời gian, cũng như năng lượng của bản thân. Tôi không thể yêu cầu một bộ não làm việc hết công suất suốt 14tiếng/ngày, không thể trách móc người bận rộn tại sao không dành thời gian nấu ăn, cũng không thể bắt ép một đôi mắt mỏi mệt ngồi trước màn hình máy tính 7 ngày trong tuần…
Một lời hứa sẽ giúp ta biết chắt lọc hơn những gì mình muốn nói ra, vì ta biết điều đó thật sự quan trọng.
Nhìn lại năm 2021, tôi biết tôi đã không đạt tiêu chuẩn của một người biết giữ lời hứa, ví dụ tôi đã không có 31 bài mới cho tháng 12 trong mục Dừng đèn đỏ. Dù chỉ chia sẻ ở bài viết này, nhưng tôi đã luôn cảm thấy tội lỗi với chính mình và bạn đọc trong suốt hai tuần vừa qua. Tôi mong rằng sự thất hứa của tôi lần này sẽ không làm bạn rời đi.
Mong rằng chúng ta sẽ được đồng hành cùng nhau trong nhiều câu chuyện mới của 12 tháng tới. Gửi tới bạn đọc lời cảm ơn chân thành và chúc mừng năm mới!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com