Tối thứ 6, trên đường về nhà, phố xá tấp nập và hối hả như ngày đầu tuần, nhưng bạn có để ý sự vội vã ấy đầy ắp niềm vui?
Có những viễn cảnh nhìn thoáng qua rất giống nhau, nhưng cảm xúc và ý nghĩa lại hoàn toàn khác. Mỗi năm đến tháng 9, học sinh cấp 3 được làm quen với cuộc sống tươi mới của sinh viên, của cuộc sống tự do và tự lo. Những người làm lâu năm thường có mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp. Những người trẻ tiến gần tới độ tuổi 30 đều bắt đầu quen dần với công việc ổn định, kết hôn, chăm sóc con cái và cha mẹ…
Tôi tự hỏi, bao nhiêu người trong xu hướng ấy thật sự hạnh phúc với những gì đang diễn ra?
Dạo gần đây tôi chủ động hạn chế lên mạng xã hội, lý do là vì tôi muốn tiết chế lại hiểu biết của mình về cuộc sống của người khác. Lần gần đây nhất, khi bắt gặp bài viết của bạn học cũ chia sẻ rằng anh vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu Tiến sĩ, những suy nghĩ cũ lại đeo bám tôi: giá ngày ấy mình cố gắng hơn một chút, kiên cường hơn một chút thì chắc cũng sắp tốt nghiệp rồi.
Rất nhiều lần tôi chất vấn bản thân về việc có nên quay lại với nghiên cứu và học thuật không, nhưng rồi tôi kịp tỉnh lại để hỏi: điều đó có làm tôi hạnh phúc không? Hay điều gì ở thế giới ấy khiến tôi phải tạm gác lại giấc mơ ngày trước?
Phải nói rằng tôi là người vô cùng may mắn trong học hành và công việc. Từ lúc tốt nghiệp ĐH cho đến khi hoàn thành Thạc sỹ, tôi dường như chẳng phải suy nghĩ gì về lý do khiến tôi gắn bó với học thuật nhiều năm như vậy. Khi bước vào giai đoạn nhiều chông gai hơn, tôi mới hiểu ra rằng tôi theo đuổi nghiên cứu phần lớn vì việc học trước đây quá thuận lợi, khiến tôi có góc nhìn phiến diện về lĩnh vực này. Và cũng vì trước đây luôn gặp được những vị GS yêu nghiên cứu, làm việc chăm chỉ khiến tôi tin tưởng tuyệt đối vào môi trường giáo dục. Do đó, tôi tụt dốc rất nhanh khi mọi thứ đi ngược lại với hình dung trước kia.
Cũng nhờ có những khoảng thời gian “ác mộng” ấy, tôi có dịp dừng lại và tìm hiểu về chính mình, về công việc tôi muốn theo đuổi và cuộc sống mà tôi muốn vun đắp. Khi ở trong môi trường mà mọi người đều hướng đến mục tiêu giống nhau, chúng ta dễ hiểu nhầm, rằng tiêu chuẩn thành công của mình đều giống họ. Sinh viên học giỏi thì tốt nghiệp đúng hạn, đi làm có năng lực thì phải được thăng chức, yêu lâu rồi thì phải cưới, vợ chồng vài năm cũng phải có con…
Để đạt được những cột mốc ấy, tất cả mọi người đều không thể thảnh thơi đi bộ. Chúng ta đều phải chạy. Và chuỗi ngày bận rộm làm ta quên đi khái niệm hạnh phúc của bản thân mình.
Một lần đi công tác cùng chị đồng nghiệp đã cống hiến cho công ty được 9 năm, tôi rất hào hứng vì nghĩ rằng mình sẽ hỏi được 1001 câu về sự nghiệp của chị. Xinh đẹp, điềm đạm, tốt bụng và năng lực thì khỏi phải bàn, mẫu người phụ nữ thành công của thế giới là đây. Tôi hỏi về khối lượng công việc của chị, không biết có gì tôi giúp được không vì chưa bao giờ thấy chị về trước 8h tối. Chị chia sẻ rằng ấy là chị cố tình làm thật nhiều, về nhà sát giờ đi ngủ là vừa, vì nếu không thì chẳng có gì để làm, chị thấy tay chân đầu óc thừa thãi lắm.
Mọi người ai cũng nghĩ chị đam mê công việc, nhưng thực tế, ngoài tình yêu, công việc cũng là một công cụ để lấp đầy khoảng trống cho những người như vậy.
Tôi nhận ra, mình ước mong có được vị trí và mức lương của chị, nhưng không mong ước cuộc sống như vậy.
Thấy bạn bè có nhà có xe, ảnh cưới 2 người rồi đến gia đình 4 người, ai cũng rạng rỡ, tôi chợt nghĩ bố mẹ chắc sẽ yên tâm lắm nếu thấy tôi cũng như vậy. Rồi khi nghe đứa bạn kể về chuyện nó rất cô đơn khi sống với chồng vô tâm, hai vợ chồng chẳng biết nói chuyện gì ngoài con cái; trước đây vẫn giữ lời hẹn tối thứ 6 phải hẹn hò riêng, sau này không gian chỉ có 2 người trở nên ngượng ngùng và ngột ngạt quá nên lại thôi – tôi nhận ra, sự đủ đầy của họ là điều mình ngưỡng mộ, nhưng mình không theo đuổi hạnh phúc đó.
Đó là thứ hạnh phúc ở trong mắt người khác, chỉ không phải hạnh phúc từ trong tim mình.
Tôi cũng học được rằng, để có hạnh phúc thực sự rất khó, nhưng điều cần làm hơn là phải định nghĩa được và hiểu được nó trước tiên. Hạnh phúc của bạn là làm một nhiệm vụ khiến bạn thấy thích thú, không ngừng tò mò và học hỏi? Hay, hạnh phúc là có một mức lương đủ sống, mỗi ngày tan ca có thời gian dành cho gia đình và tận hưởng khoảnh khắc ấy, chứ không đơn thuần là trách nhiệm?
Hạnh phúc đích thực cần một hành trình dài, với rất nhiều trải nghiệm mới có thể nhận ra được; còn thứ “na ná hạnh phúc” như tôi kể ở trên, thì nhiều vô kể!
Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.
Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com