Tôi biết tiếng Anh và tiếng Trung, dù không giỏi. Ngôn ngữ thứ 3 tôi từng muốn học là tiếng Pháp. Khi chia sẻ với bố về điều đó, ông thản nhiên nói với tôi rằng hãy cứ làm điều mình muốn, ham học hỏi là đức tính cần phải giữ đến cuối đời. “Nhưng, cũng đừng quên cột mốc cuộc đời là được làm người bình thường. Không phải ai muốn cũng được đâu”.

Dù không phải người thường đưa ra lời khuyên, Bố có ảnh hưởng rất lớn tới lối tư duy và sự nghiệp của tôi. Vì thế, những gì ông chia sẻ tôi gần như khắc cốt ghi tâm. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều năm tôi mới hiểu được câu nói trên.

Với những người nhiều tham vọng, việc trở thành một người bình thường là điều rất tầm thường. Tôi biết rất nhiều người quyết tâm trở thành “người bất bình thường”: thành tích đầu bảng, lãnh đạo một cơ quan/tổ chức lớn, những ý nghĩ muốn thay đổi thế giới… Tóm lại, họ là nhóm người vượt xa số đông.

Nghĩ lại, tôi thấy đúng là phần lớn chúng ta thường nói: Tôi chỉ là một người bình thường/Cuộc sống của tôi cũng bình thường thôi, ngược lại, ít ai vỗ ngực tự hào khi bản thân là người bình thường. Có lẽ chúng ta chỉ nhận ra giá trị của hai chữ “bình thường” khi rời xa ý niệm đó, và nhận ra mình không thể quay lại được.

Bạn có giống tôi, sau khi mất chiếc điện thoại thông minh thì không muốn mua một chiếc “điện thoại thường”? Thậm chí đã là khách hàng của Apple thì ngại sử dụng những hãng khác, dù giá cả hợp với túi tiền hơn.

Là nghiên cứu sinh, tôi chứng kiến nhiều người – trong vai người hướng dẫn – hoặc tỏ ra rất thờ ơ, khó tiếp cận; hoặc thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với sinh viên. Khi được hỏi thì họ cho rằng “việc đó rất bình thường, tất cả phải quen với môi trường khắc nghiệt này”. Một số người thường xuyên trả lời tin nhắn/email của sinh viên rất muộn, chỉ với mục đích “cho tụi nó biết mình bận thế nào, dễ gì mà lúc nào cũng tiếp cận được với mình. Bình thường quá lại bị tụi nó đè đầu cưỡi cổ!”.

Qua trải nghiệm cá nhân, tôi nhận ra nhiều người làm lãnh đạo, hoặc đứng đầu một nhóm thường có những cách khác nhau để thể hiện quyền lực. Phần lớn là sử dụng lời nói, một vài người thông qua các mối quan hệ để tạo nên sự ảnh hưởng, gạt bỏ mọi lời góp ý từ cấp dưới đơn giản vì “tôi là sếp ở đây”.

Tôi may mắn được làm việc với một GS, đồng thời cũng là nhà quản lý, rất kiệm lời, hành xử nhã nhặn. Khi còn là một lãnh đạo, dù không cố tình tạo khoảng cách nhưng mọi người đều hiểu mối quan tâm của GS không đặt hoàn toàn vào sinh viên, vì vậy việc giao tiếp cũng rất hạn chế. Sau khi về hưu và chỉ tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu, ông chia sẻ với chúng tôi, rằng ông đang học cách gần gũi với sinh viên. Qua lời nói và hành động, tôi hiểu rằng ông thật lòng mong muốn được trở thành một GS bình thường nhất trong mắt chúng tôi – một công việc mà ông phải học.

Hầu hết chúng ta nghĩ ai cũng có thể “an phận” như một người bình thường, sống một cuộc đời bình thường, giao lưu với những kẻ bình thường, tuy nhiên đó lại là thử thách với những người đã bỏ lỡ cơ hội được-bình-thường. Tôi nhìn thấy điều này ở những người lớn tuổi đã về hưu, từ cấp quản lý xuống cấp nhân viên, từ cuộc sống xa hoa lấp lánh quay về với đời sống bình dị, ít sang trọng.

Làm một người bình thường cần rất nhiều dũng khí, và phải rất tự tin mới thấy tự hào khi sống một cuộc đời bình thường.

Bình thường là ý thức rõ những gì mình làm, dù nhỏ bé nhưng đều có ý nghĩa tốt đẹp. Một người bình thường không mưu cầu vỏ bọc như địa vị, tiền bạc, tài sản hay chức danh, mà họ luôn tự hào với phiên bản nguyên sơ nhất của chính mình.


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *