Tôi từng nghĩ trên đời này luôn có hai kiểu sống: dễ dàng và khó khăn. Đó là một suy nghĩ thiển cận.
Thời học ĐH, tôi chưa từng nghe đứa bạn nào nói là muốn về gần nhà sau khi tốt nghiệp. Phần lớn chúng tôi, và cả những tiền bối xa quê lập nghiệp đều cho rằng, tuổi trẻ phải đi ra chứ không nên quay về nhà, đặc biệt là với một thành phố nhỏ như nơi tôi sống. Khi nói về dự định của tương lai, chúng tôi bàn về những nơi chưa được đặt chân tới, về kế hoạch đi du học hay định cư ở nước ngoài.
Sau đó, khi nhìn thấy nhiều người về nhà làm việc ở cơ quan nhà nước rồi kết hôn, tôi nghĩ chắc họ đã có những thứ cần có, cũng chẳng thêm tham vọng gì nên họ lựa chọn một cuộc sống bình thường. Tôi cho rằng mình còn bao nhiêu thứ trước mắt phải phấn đấu, thế nên phải đến những nơi thử thách một chút, khốc liệt một chút để trưởng thành hơn.
Cho đến khi nhận ra có người đem tôi ra để so sánh với họ, và họ cho rằng cuộc sống của tôi rất dễ dàng. Sinh viên RMIT thì đâu có phải học về chính trị, quân sự, 3 năm ra trường quá “ngon”. Du học Đài Loan thì ai mà chẳng đi được, muốn có nền tảng giáo dục chất lượng thì phải sang Úc, Mỹ để họ “rèn” cho.
Dù chạnh lòng, nhưng tôi thật sự cảm ơn sự so sánh đó, để tôi hiểu rằng, mọi lựa chọn đều có những khó khăn như nhau. Không có ai sống cuộc đời dễ dàng hơn ai cả.
Tôi đã nghe nhiều bài hát nhắc tới khung cảnh yên bình: về quê, nuôi cá và trồng rau. Tôi chợt nghĩ, không biết nếu tôi nói điều đó với chú tôi – người làm nông thực thụ thì chú có cười toáng lên không nhỉ?
Chúng ta đều hình dung được làm nông cực khổ thế nào. Những chuỗi ngày lao động không ngừng nghỉ của nhiều gia đình thể hiện mong ước con cái có thể đổi đời, lên thành phố, tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc. Nếu không nói đến khía cạnh tài chính, thì việc rời khỏi một nơi náo nhiệt, sầm uất để đến với cuộc sống yên lặng ở thôn quê là thử thách rất lớn cho nhiều người.
Trong những ngày căng thẳng tột cùng, tôi được xoa dịu bởi phật Pháp, thiền, yoga và trà. Bên cạnh việc tự học cách chữa lành, tôi cũng có dịp thoả mãn cơn tò mò về cuộc sống thật sự của những nhà tu. Bố tôi cũng từng có mong muốn được lên chùa sống sau khi về hưu, nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc: chẳng lẽ trên đời có những người chỉ đi ra đi vào, quét lá cây như mấy chú tiểu, tụng kinh niệm phật như các nhà sư sao? Thế thì vì sao mọi người không vào chùa ở hết đi nhỉ?
Những hiểu biết hạn hẹp của người thường về cuộc sống của nhà sư khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ cần ở chùa thì sẽ có cuộc đời nhàn nhã, thanh thản. Thực tế, sự thanh thản ấy không đến nhờ vào nơi họ sống (như trong chùa, tu viện), mà đến từ quá trình tu hành và rèn luyện không ngừng nghỉ. Tôi rất bất ngờ khi được nghe chia sẻ của thầy Minh Niệm với các sư thầy và sư cô trẻ, về việc một người tu hành phải có tác phong như thế nào, cho đến việc họ phải tôi luyện “tinh thần thép” ra sao. Hoá ra rất nhiều người sau khi quyết định quy tu một thời gian thì đã không thể chịu đựng được, và quyết định quay về cuộc sống xô bồ mà họ từng ghét bỏ.
Nếu bạn đang cảm thấy mỗi ngày của mình trôi qua thật khó khăn, trong khi những người khác dường như dễ dàng hơn nhiều, thì điều đó chỉ thể hiện một điều rất đỗi “con người”: hạnh phúc của ta luôn nằm trong mắt người đối diện.
Dù đang ở đô thị đông đúc hay quyết định về quê sinh sống, dù mỗi ngày chật vật với các loại hoá đơn hay có khả năng mua hàng hiệu, dù là nhân viên chờ chực lương tháng hay chủ doanh nghiệp toàn cầu…tất cả mọi người đều có những khó khăn không ai hiểu được. Để có được sự tự do nhiều kẻ ghen tị, thì người độc thân phải chịu đựng sự cô đơn. Để có được sự ổn định mà nhiều người ngỡ là “chân ái cuộc đời”, tôi biết nhiều người bạn của tôi đã và vẫn đang sống trong lo âu với cơm-áo-gạo-tiền cho gia đình nhỏ. Để tồn tại trong những công ty tên tuổi, biết bao nhiêu người căng thẳng đến mức trầm cảm; ngược lại cũng có những người khi nghỉ hưu, tưởng là an nhàn mà hoá ra đầy áp lực.
Lựa chọn nơi sống, nơi làm việc, đối tượng để kết hôn…không phải là tìm cách đưa ra lựa chọn tốt nhất, hoặc tốt hơn người khác. Có lẽ điều ta nên làm là nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của lựa chọn ấy trong cuộc đời ngắn ngủi của riêng mình, hiểu rằng dù sung sướng hay khổ đau, thì mình mới là người phải có trách nhiệm với nó.
Và mong rằng những người xung quanh cũng biết cách trân trọng lựa chọn của họ, để hạnh phúc của ta không mãi nằm trong mắt người khác.
Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.
Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com